Tổ yến cực bổ nhưng không phải ai cũng nên ăn món này. Các chuyên gia khuyến cáo, việc dùng tổ yến tẩm bổ phải dựa trên thể trạng của từng người. Rất nhiều trường hợp do ăn tổ yến không đúng cách hoặc sử dụng quá nhiều đã dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe.

Ăn tổ yến quá thường xuyên

Nhiều người nghĩ rằng, ăn càng nhiều càng tốt vì tổ yến bổ dưỡng, nhiều công dụng, có thể ăn hàng ngày. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Với những người khỏe mạnh việc ăn tổ yến hàng ngày không quá ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, với những người cao tuổi, sức khỏe kém, việc sử dụng nhiều yến liên tục sẽ tác động ngược gây quá tải cho hệ tiêu hóa như khó tiêu, gây cảm giác khó chịu, chướng bụng. Người già, người bệnh chỉ nên ăn tổ yến 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3-5 gram hoặc chia nhỏ phần yến ra ăn mỗi ngày.

Ăn tổ yến bất kể thời điểm trong ngày

Nhiều người cho rằng tổ yến có thể sử dụng bất kể bữa sáng, trưa, chiều, tối và thậm chí là bữa đêm đều như nhau. Tuy nhiên, đây là một trong những sai lầm phổ biến khi sử dụng tổ tổ yến.

Mặc dù việc dùng tổ yến bất kỳ bữa nào trong ngày không gây hại cho cơ thể nhưng chọn thời điểm phù hợp để ăn tăng cường tối đa khả năng hấp thụ lượng dinh dưỡng dồi dào trong tổ yến. Tổ yến nên được sử dụng vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Việc bổ sung tổ yến buổi sáng sớm khi bụng đói sẽ giúp bạn hấp thụ tốt và toàn bộ các dưỡng chất có trong chúng.

Còn dùng yến vào buổi tối trước khi đi ngủ, việc hấp thụ cũng sẽ dễ dàng hơn vì đây là khoảng thời gian cơ thể nghỉ ngơi.

Không nên sử dụng tổ yến sau khi ăn no vì khả năng hấp thụ lúc no bụng là rất kém.

Dùng tổ yến tùy tiện

Có khá nhiều người coi yến sào như một phương thuốc và lầm tưởng rằng có thể sử dụng trong việc chữa bệnh. Điều này là một điều cực kỳ sai lầm. Hãy luôn nhớ rằng, yến sào là một loại thực phẩm bổ dưỡng và có nhiều tác dụng, chúng được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng, chứ không phải là một phương thuốc đặc trị.

Khi sử dụng yến sào có người bệnh cũng nên chú ý một số điểm sau. Những người mang các bệnh viêm nhiễm cấp tính có sốt (ho nhiều đờm, viêm da, viêm gan, viêm phế quản,…), cơ thể gầy yếu nhưng chức năng hoạt động tỳ vị còn quá yếu thì cũng không thể sử dụng yến sào. Bởi vì ở thể trạng này cơ thể không thể hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm có quá nhiều nhóm dưỡng chất và đạm như tổ yến.

Chỉ dùng yến sào khi có bệnh

Sẽ thật sai lầm nếu chỉ sử dụng yến sào khi bị bệnh. Bởi yến sào còn là thực phẩm dành cho cả những người khỏe mạnh, giúp họ duy trì thể lực dẻo dai, bền bỉ, phòng ngừa ốm đau bệnh tật.

Sử dụng yến sào thường xuyên với lượng đúng và đủ sẽ đem lại hiệu quả lâu dài trong việc tăng cường đề kháng, giảm ốm vặt, và khi ốm cơ thể sẽ tự phục hồi nhanh chóng hơn chỉ dùng khi bị bệnh.

Bên cạnh đó một số người mắc bệnh viêm nhiễm cấp tính đi kèm với sốt thì lại không nên sử dụng yến sào như:cảm sốt, lạnh bụng, đầy bụng, viêm gan vàng da, viêm phế quản cấp, viêm đường tiết niệu, ho nhiều đờm trong và loãng,…

Vận động mạnh sau khi ăn yến

Có thể nói tập thể dục thể thao là một thói quen tốt và lành mạnh mà chúng ta cần rèn luyện mỗi ngày, nhưng nếu không sắp xếp thời gian hợp lý mà lại vận động và luyện tập sau khi ăn yến sào không chỉ khiến cho hệ tiêu hóa gặp vấn đề, dễ dẫn đến đau dạ dày, mà còn khiến cơ thể toát mồ hôi nhiều. Trong đó việc điều tiết mồ hôi không chỉ đào thải độc tố trong cơ thể mà còn vô tình khiến cho các dinh dưỡng hấp thụ từ yến chưa được chuyển hóa bị đào thải cùng.

Chưng yến càng lâu càng tốt

Chưng yến là cách chế biến yến sào vừa đơn giản lại vừa ngon, nhưng bạn cũng lưu ý về thời gian chưng yến chỉ nên từ 25 - 30 phút mà thôi. Với thời gian này, sợi yến sẽ chín tới, vừa mềm vừa dai, chất dinh dưỡng được lưu giữ trọn vẹn. Còn nếu chưng yến quá lâu thì không chỉ khiến yến bị nhão, chất dinh dưỡng do tác động nhiệt độ cao cũng bị mất dần.

Bà bầu 3 tháng đầu sử dụng yến sào

Mang thai là việc  trọng đại và ý nghĩa không chỉ với riêng người mẹ và cả gia đình. Dù tổ yến là thực phẩm đại bổ, tuy nhiên bà bầu khi sử dụng yến sào cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi tổ yến có tính hàn dễ gây lạnh bụng, động thai. Trong thời gian 3 tháng đầu mới mang thai, bà bầu nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng yến sào. Sau 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu hoàn toàn có thể dùng yến để tăng sức đề kháng, phục hồi thể trạng sau ốm nghén, ngăn ngừa mệt mỏi.

Cho phụ nữ vừa mới sinh ăn tổ yến

Thông thường, tổ yến có nhiều lợi ích trong việc bồi bổ sức khỏe, giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Không chỉ giúp chị em mau hồi phục sau khi sinh mà tổ yến còn đem đến một làn da tươi sáng cho cả mẹ và bé, nhất là với những ai nuôi con bằng sữa mẹ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng tổ yến là tốt cho phụ nữ giai đoạn ở cữ. Nhiều người phản đối việc ăn tổ yến sau khi sinh vì nó có tính hàn, trong khi các thực phẩm có tính nhiệt được cho là tốt hơn đối với phụ nữ mới sinh con. Theo quan niệm dân gian, thực phẩm có tính hàn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh.

Bên cạnh đó, tổ yến có dạng sợi và nếu không được xử lý kỹ lưỡng để loại bỏ các tạp chất như cành cây, lông chim yến,… sẽ có hại cho phụ nữ đang trong giai đoạn hồi phục sau khi sinh.

Song tùy thể trạng mỗi người mà nên hay không nên dùng ngay sau khi sinh. Lời khuyên chung cho các bà mẹ mới sinh là nên bắt đầu sử dụng tổ yến vào khoảng từ 1 đến 3 tháng sau khi sinh, hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bài viết liên quan

Bản quyền thuộc về Yến Nhà Mộc được thiết kế bởi Tâm Phát